Tế bào gốc, với khả năng tái tạo và biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau, được coi là một bước đột phá trong nghiên cứu y học và điều trị bệnh. Nhưng bạn có bao giờ tự hỏi tế bào gốc lấy từ đâu? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các nguồn này, từ đó cung cấp cái nhìn tổng quan về cách tế bào gốc đóng vai trò trong y học hiện đại.
1. Tế bào gốc là gì?
Tế bào gốc là những tế bào đặc biệt có khả năng tự tái tạo và phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau trong cơ thể. Chúng được xem là nền tảng cho sự phát triển của cơ thể con người từ giai đoạn phôi thai đến khi trưởng thành và duy trì chức năng tái tạo, sửa chữa ở các mô, cơ quan trong suốt cuộc đời.
Các tế bào gốc được chia thành hai nhóm chính: tế bào gốc đa năng (pluripotent stem cells) và tế bào gốc trưởng thành (adult stem cells).
-
Tế bào gốc đa năng bao gồm tế bào gốc phôi (hESCs) và tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPSCs). Đây là loại tế bào có khả năng biệt hóa thành tất cả các loại tế bào trong cơ thể, ví dụ như tế bào cơ tim, tế bào thần kinh hoặc tế bào máu. Chúng được tìm thấy trong phôi thai hoặc được tái lập trình từ các tế bào đã biệt hóa, như tế bào da.
-
Tế bào gốc trưởng thành, còn được gọi là tế bào gốc soma, cư trú trong các mô hoặc cơ quan cụ thể như xương, da hoặc máu. Loại tế bào này đảm nhận vai trò sửa chữa và thay thế các tế bào bị tổn thương trong chính mô hoặc cơ quan mà chúng cư trú. Chẳng hạn, tế bào gốc tủy xương chịu trách nhiệm sản sinh tế bào máu.
2. Tế bào gốc lấy từ đâu? 5 nguồn lấy tế bào gốc phổ biến hiện nay
Tế bào gốc, với khả năng tự tái tạo và biệt hóa thành các loại tế bào gốc khác nhau, có thể được lấy từ nhiều nguồn khác nhau trong cơ thể con người và trong quá trình phát triển phôi thai. Dưới đây là những nguồn chính cung cấp tế bào gốc, được giải thích dựa trên các bằng chứng khoa học.
2.1. Tế bào gốc phôi
Tế bào gốc phôi được lấy từ khối nội bào của phôi nang (blastocyst) – giai đoạn phát triển sớm của phôi, khoảng 3-5 ngày sau khi thụ tinh. Phôi nang chứa khoảng 150 tế bào, chia thành hai phần chính: lớp ngoài (trophoblast) và khối nội bào (inner cell mass). Khối nội bào là nơi các nhà khoa học thu thập tế bào gốc để nuôi cấy. Những tế bào này có khả năng vạn năng, nghĩa là chúng có thể phát triển thành bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể.
Nguồn tế bào này thường đến từ các phôi thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) không còn được sử dụng, với sự đồng ý của người hiến. Tuy nhiên, việc sử dụng tế bào gốc phôi luôn đi kèm các tranh cãi đạo đức và quy định nghiêm ngặt.
2.2. Tế bào gốc trưởng thành
Tế bào gốc trưởng thành được tìm thấy trong cơ thể người ở nhiều mô và cơ quan khác nhau, bao gồm tủy xương, mô mỡ, và máu. Chúng thường tồn tại với số lượng nhỏ và có khả năng biệt hóa hạn chế hơn tế bào gốc phôi. Ví dụ:
- Tế bào gốc tạo máu: Tìm thấy trong tủy xương, có khả năng sản sinh các tế bào máu và tế bào miễn dịch.
- Tế bào gốc thần kinh: Hiện diện trong não, có thể tạo thành các tế bào thần kinh mới, nhưng hoạt động không mạnh mẽ.
Tế bào gốc trưởng thành thường được sử dụng trong y học tái tạo, chẳng hạn như ghép tủy xương để điều trị bệnh bạch cầu và các rối loạn máu khác.
2.3. Tế bào gốc cảm ứng đa năng (Induced Pluripotent Stem Cells – iPS)
Tế bào gốc cảm ứng được tạo ra bằng cách lập trình lại các tế bào trưởng thành, chẳng hạn như tế bào da, để chúng có đặc tính giống tế bào gốc phôi. Kỹ thuật này mang lại lợi ích lớn vì tránh được các tranh cãi đạo đức liên quan đến tế bào gốc phôi. Tuy nhiên, tế bào iPS vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, và việc sử dụng chúng có thể gây rủi ro do khả năng phát sinh ung thư.
2.4. Tế bào gốc từ chuyển nhân tế bào soma (SCNT)
Quy trình này liên quan đến việc chuyển nhân từ một tế bào soma (tế bào cơ thể) vào một trứng đã loại bỏ nhân. Phôi nang hình thành từ kỹ thuật này cung cấp nguồn tế bào gốc mang DNA giống với người hiến. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn đang được nghiên cứu và chưa đạt được kết quả khả quan trên người.
3. Ứng dụng tế bào gốc trong việc chữa trị
3.1. Y học tái sinh
Tế bào gốc có khả năng tái tạo và sửa chữa các mô bị tổn thương hoặc bị hỏng trong cơ thể. Chúng có thể biến đổi thành các tế bào cụ thể như tế bào cơ tim, tế bào máu, hoặc tế bào thần kinh. Ứng dụng này rất hữu ích trong việc điều trị các bệnh như chấn thương cột sống, bệnh tiểu đường loại 1, Parkinson, Alzheimer, các vấn đề tim mạch, đột quỵ, bỏng, ung thư và viêm khớp.
3.2. Thử nghiệm thuốc mới
Tế bào gốc cũng có vai trò quan trọng trong việc kiểm tra độ an toàn và hiệu quả của các loại thuốc mới trước khi áp dụng cho người. Ví dụ, việc tạo tế bào thần kinh để kiểm tra một loại thuốc mới cho bệnh thần kinh có thể giúp xác định liệu loại thuốc này có ảnh hưởng tiêu cực đến các tế bào không và liệu chúng có bị tổn thương không.
3.3. Điều trị bệnh
Tế bào gốc đã được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý nguy hiểm như ung thư máu, lupus ban đỏ, thoái hóa khớp, và các bệnh liên quan đến hệ thần kinh và tim mạch. Phương pháp ghép tế bào gốc đã giúp cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.
Hiện nay, các nhà khoa học đang tiến hành nhiều thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của việc sử dụng tế bào gốc trong điều trị các bệnh lý khác như bệnh thần kinh, tim mạch, tiểu đường và nhiều bệnh thoái hóa khác.
Với những thành tựu đáng kể trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã trả lời được cho câu hỏi nên tế bào gốc lấy từ đâu, từ đó ứng dụng nó cho các bệnh nhân đang gặp phải những căn bệnh nan y. Tế bào gốc đang dần khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống và mang lại hy vọng cho những bệnh nhân tuyệt vọng. Tuy nhiên, tế bào gốc cũng có những mặt hại mà người dùng cần lưu ý, để biết những nhược điểm này là gì mời bạn đọc thêm bài viết Tác hại của tế bào gốc là gì? Sự thật bạn cần biết
Bài viết trên đã giúp bạn biết được tế bào gốc lấy từ đâu và ứng dụng tuyệt vời của nó trong nền y học hiện đại. Hy vọng rằng, những thông tin được Bhmed chia sẻ đã giúp bạn hiểu rõ hơn về vai trò và tầm quan trọng của tế bào gốc trong việc duy trì sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nguồn tham khảo:
- Stem Cell Basics | Stem Cells | University of Nebraska Medical Center – https://www.unmc.edu/stemcells/stemcells/basics.html
- Stem Cell Basics | STEM Cell Information – https://stemcells.nih.gov/info/basics/stc-basics
- Stem cells: What they are and what they do – Mayo Clinic – https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/bone-marrow-transplant/in-depth/stem-cells/art-20048117
———————
Liệu pháp tế bào sinh học – Organotherapy
Địa chỉ: 119 Hùng Vương, P4, Q5, HCM
Hotline: 098 3131 522 – (028) 3830 6368
Fanpage: www.facebook.com/BhmedVN