Tế bào gốc máu cuống rốn là một loại tế bào đặc biệt có khả năng tự tái tạo và phát triển thành các loại tế bào khác trong cơ thể. Với tiềm năng đáng kinh ngạc của mình, tế bào gốc cuống rốn đã thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng y học và nhiều gia đình. Hãy cùng Bhmed tìm hiểu các thông tin cần biết về loại tế bào gốc này trong bài viết sau!

1.Tế bào gốc máu cuống rốn là gì?

Tế bào gốc máu cuống rốn là những tế bào đặc biệt được tìm thấy trong máu còn lại ở dây rốn và bánh nhau sau khi em bé chào đời. Đây là loại tế bào chưa trưởng thành, có khả năng phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau trong cơ thể.

Đặc điểm nổi bật của tế bào gốc máu cuống rốn:

  • Khả năng sinh sôi nhanh chóng
  • Ít bị cơ thể đào thải khi ghép so với tế bào gốc từ người trưởng thành
  • Nguy cơ mang mầm bệnh thấp

Trước kia, dây rốn và bánh nhau thường bị coi là chất thải y tế. Ngày nay, chúng được thu thập cẩn thận để lấy tế bào gốc, phục vụ cho mục đích y học. Tế bào gốc máu cuống rốn có thể được lưu trữ để sử dụng trong tương lai, không chỉ cho em bé mà còn cho các thành viên khác trong gia đình.

Tế bào gốc máu cuống rốn

Tế bào gốc máu cuống rốn ở trẻ sơ sinh có khả năng phân chia và biến đổi thành các loại tế bào máu khác

Kể từ đầu những năm 1980, nguồn tế bào gốc tạo máu phong phú đã được xác nhận là có trong máu cuống rốn. Ngoài khả năng thay thế cho tế bào gốc tạo máu tủy xương trong điều trị các bệnh liên quan đến hệ tạo máu, các nghiên cứu sau này cũng đã phát hiện ra sự hiện diện của tế bào gốc biểu mô và trung mô, mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ thấp trong máu cuống rốn. Điều này mở rộng hiểu biết và tiềm năng ứng dụng của loại tế bào gốc này trong y học tái tạo

2.Ứng dụng của tế bào gốc máu dây rốn

Tế bào gốc máu cuống rốn chứa đựng tiềm năng to lớn trong y học. Loại tế bào gốc đặc biệt này có khả năng phát triển thành các tế bào máu quan trọng như hồng cầu – vận chuyển oxy nuôi dưỡng cơ thể, tiểu cầu – giúp quá trình đông máu diễn ra hiệu quả, và bạch cầu – chiến binh dũng mãnh bảo vệ hệ miễn dịch. Chính vì vậy, tế bào gốc máu cuống rốn được xem như “vị cứu tinh trong điều trị các bệnh lý về máu, đặc biệt là ung thư máu ở trẻ em.

Kể từ ca ghép tế bào gốc máu cuống rốn đầu tiên vào năm 1988 cho cậu bé 5 tuổi Matthew Farrow mắc bệnh thiếu máu Fanconi, y học đã chứng kiến hơn 40.000 ca ghép tế bào gốc thành công. Bé Matt là minh chứng sống động cho sức mạnh của tế bào gốc máu cuống rốn khi em đã khỏi bệnh hoàn toàn sau khi được cấy ghép tế bào gốc từ em gái của mình.

Đến nay, tế bào gốc máu cuống rốn đã mang lại ánh sáng hy vọng cho hàng nghìn bệnh nhân trên khắp thế giới. Bằng việc ứng dụng tế bào gốc trong điều trị, các bệnh lý nan y như rối loạn hệ tạo máu, ung thư máu, bệnh chuyển hóa, rối loạn miễn dịch đã có phác đồ điều trị hiệu quả. Theo thống kê, có hơn 80 loại bệnh có thể chữa trị nhờ tế bào gốc máu cuống rốn, trong đó ít nhất 50% các bệnh ung thư ở trẻ em có cơ hội được điều trị bằng phương pháp tiên tiến này.

Vai trò của tế bào gốc máu từ cuống rốn

Tế bào gốc máu cuống rốn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh

3. Vì sao ba mẹ nên lưu trữ tế bào gốc máu dây rốn cho con?

Tế bào gốc máu cuống rốn có khả năng biến đổi tạo thành các tế bào máu như tế bào bạch cầu, tế bào hồng cầu và tế bào tiểu cầu. Nhờ vào những tính chất đặc biệt này, tế bào gốc máu cuống rốn trở thành “chiếc phao cứu sinh”, “bảo hiểm sức khoẻ” cho trẻ. Chúng có thể được sử dụng để điều trị nhiều loại ung thư máu, thiếu máu, thay thế tủy xương và khắc phục những vấn đề do các rối loạn di truyền gây ra.

Ngoài ra, còn có nghiên cứu về việc sử dụng tế bào gốc máu cuống rốn để điều trị teo cơ, liệt tủy, tai biến mạch máu não, bỏng, tiểu đường, nhồi máu cơ tim, Alzheimer, Parkinson và thậm chí trong tương lai có thể sử dụng để chống nhăn và chống lão hoá.

Hơn nữa, tế bào gốc của trẻ cũng có thể được sử dụng để điều trị cho người thân trong gia đình hoặc những người khác khi họ mắc phải các bệnh tương tự. Lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn đồng nghĩa với việc giữ cho gia đình một nguồn tài nguyên quý giá trong việc điều trị các loại bệnh nghiêm trọng.
Tế bào gốc từ máu cuống rốn

Tế bào gốc máu cuống rốn trở thành “chiếc phao cứu sinh” cho trẻ

4. Quá trình thu thập máu cuống rốn diễn ra như thế nào

Khi dây rốn được cắt từ trẻ sơ sinh, một cây kim vô trùng được sử dụng để lấy máu từ tĩnh mạch rốn. Máu thu được sau đó được dẫn lưu bằng trọng lực vào một túi chuyên dụng, đảm bảo tính an toàn và không gây hại cho sức khỏe.

Quá trình thu thập máu cuống rốn chỉ diễn ra trong vài phút ngắn ngủi. Để đạt hiệu quả tốt nhất, việc lấy máu cuống rốn nên được thực hiện càng sớm càng tốt sau khi sinh, nhằm giảm thiểu tình trạng đông máu và tối đa hóa thể tích máu thu được. Đảm bảo ít nhất 40ml máu cuống rốn được thu, để có đủ tế bào sử dụng trong tương lai.

Sau khi thu thập, máu cuống rốn được chuyển đến ngân hàng máu cuống rốn để lưu trữ lâu dài. Tại đây, máu sẽ trải qua quá trình xử lý và phân loại. Một lượng nhỏ máu cuống rốn sẽ được trích ra để tiến hành các xét nghiệm sàng lọc, nhằm phát hiện các bệnh tật hoặc rối loạn khác, để đảm bảo tính an toàn và khả năng sử dụng của máu. Các mẫu máu được xác định sử dụng sẽ được đông lạnh và lưu trữ.

Thời gian lưu trữ máu cuống rốn có thể kéo dài hơn 20 năm, giúp đảm bảo tính sẵn sàng của máu cho những trường hợp cần thiết trong tương lai. Qua quá trình lưu trữ và bảo quản hiện đại, máu cuống rốn có thể được sử dụng như một nguồn tài nguyên quý giá, mang lại hy vọng và cơ hội chữa bệnh cho nhiều người.
Lưu trữ máu cuống rốn

Khi dây rốn được cắt, một cây kim vô trùng được sử dụng để lấy máu từ tĩnh mạch rốn

5. Có thể lưu trữ tế bào gốc cuống rốn bao lâu?

Sau khi tế bào gốc máu cuống rốn đã được xử lý và kết hợp với dung dịch bảo quản, chúng được đặt trong môi trường có nhiệt độ dưới -80℃. Sau đó, tế bào gốc được bảo quản ở nhiệt độ từ -150 đến -196℃. Qua quá trình này, tế bào gốc máu cuống rốn được bảo quản với chức năng nguyên vẹn trong một khoảng thời gian dài. 

Thời gian lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn cũng rất khó để xác định. Thông thường vì các ngân hàng tế bào gốc máu cuống rốn trên thế giới chỉ tồn tại trong khoảng hơn 30 năm. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng tế bào gốc máu cuống rốn có thể được bảo quản vô thời hạn trong điều kiện âm sâu, dựa trên hai giả thuyết sau:

  • Thứ nhất, tế bào gốc máu cuống rốn có thể được lưu trữ ở nhiệt độ dưới -190 ℃. Ở nhiệt độ cực thấp này, hoạt động sinh học gần như bị dừng lại.

  • Thứ hai, các loại tế bào khác và tinh trùng đã được giải đông sau khi lưu trữ trong vòng 50 năm vẫn có khả năng hoạt động. Điều này cho thấy khả năng lưu trữ lâu dài của tế bào gốc máu cuống rốn có thể tương tự.

Lưu trữ tế bào gốc trong bao lâu

Tế bào gốc được bảo quản ở nhiệt độ từ -150 đến -196 ℃

Vậy là Bhmed đã cùng bạn tìm hiểu về tế bào gốc cuống rốn là gì? Các thông tin cần biết. Với khả năng phục hồi và tái tạo của chúng, tế bào gốc cuống rốn mở ra nhiều cơ hội trong việc điều trị các bệnh lý nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc lưu trữ tế bào này đòi hỏi một chi phí khá đắt đỏ, vì vậy gia đình bạn cần xem xét thật kỹ trước khi đưa ra quyết định có nên lưu trữ hay không nhé!

Nguồn tham khảo:

1. Alatyyat, S. M., Alasmari, H. M., Aleid, O. A., Abdel-maksoud, M. S., & Nehal Elsherbiny. (2020). Umbilical cord stem cells: Background, processing and applications. Tissue & Cell, 65, 101351–101351. https://doi.org/10.1016/j.tice.2020.101351

2. Eurostemcell. (2016, October 19). Umbilical Cord Stem Cells – Current Uses & Future Challenges.Eurostemcell.org. https://www.eurostemcell.org/cord-blood-stem-cells-current-uses-and-future-challenges

3. Wikipedia Contributors. (2024, January 10). Cord blood. Wikipedia; Wikimedia Foundation. https://en.wikipedia.org/wiki/Cord_blood

4. Umbilical cord blood. (2014). Marchofdimes.org. https://www.marchofdimes.org/find-support/topics/birth/umbilical-cord-blood

5. Whitbourne, K. (2017, January 31). Should You Bank Your Baby’s Cord Blood? WebMD; WebMD. https://www.webmd.com/baby/should-you-bank-your-babys-cord-blood

———————
Liệu pháp tế bào sinh học – Organotherapy
Địa chỉ: 119 Hùng Vương, P4, Q5, HCM
Hotline: 098 3131 522 – (028) 3830 6368
Fanpage: www.facebook.com/BhmedVN