Tăng sắc tố da là một vấn đề phổ biến mà nhiều người gặp phải, đặc biệt là ở phụ nữ. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài mà còn có thể gây ra tâm lý tự ti cho những ai mắc phải. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về các thông tin xung quanh vấn đề tăng sắc tố da.
1. Tăng sắc tố da là gì?
Tăng sắc tố da là tình trạng da xuất hiện các vùng sẫm màu hơn so với vùng da xung quanh, do sự sản xuất quá mức melanin – sắc tố chịu trách nhiệm cho màu sắc của da. Tăng sắc tố da có thể xuất hiện ở bất cứ loại da nào. Đây cũng là triệu chứng của một số bệnh về da.
2. Các loại tăng sắc tố da phổ biến
Các loại tăng sắc tố da phổ biến bao gồm:
- Tàn nhang: Những đốm nhỏ, màu nâu, thường xuất hiện ở vùng má, mũi và trán. Tàn nhang thường gặp ở những người có làn da sáng và thường trở nên rõ rệt hơn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
- Đồi mồi: Những đốm lớn hơn tàn nhang, có màu nâu sẫm hoặc đen, và có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trên cơ thể. Đồi mồi thường liên quan đến tuổi tác và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài.
- Nám: Các mảng màu nâu sẫm, thường xuất hiện đối xứng hai bên má, trán, và khóe miệng. Nám da thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là trong thời kỳ mang thai hoặc khi sử dụng thuốc tránh thai.
- Tăng sắc tố sau viêm: Chứng tăng sắc tố sau viêm (PIH) thường do mụn trứng cá, bỏng, ma sát hoặc các phương pháp điều trị như lột da hóa học và điều trị laser. Loại tăng sắc tố này có thể cải thiện dần theo thời gian bằng sản phẩm bôi ngoài da.
3. Nguyên nhân làm tăng sắc tố da
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng sắc tố da. Phổ biến nhất chính là tiếp xúc với ánh nắng, thay đổi nội tiết tố, tổn thương da, tuổi tác, di truyền, dùng thuốc và bệnh lý.
- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều, melanin được sản sinh nhiều để bảo vệ da khỏi tia UV có hại, dẫn đến sự hình thành các đốm nâu, đồi mồi, và tàn nhang.
- Thay đổi nội tiết tố: Các thay đổi trong hormone, đặc biệt là trong thời kỳ mang thai, cho con bú, mãn kinh,… khiến estrogen và progesterone tăng đột ngột, kích thích sản xuất nhiều melanin.
- Tổn thương da: Các chấn thương, viêm da, và các tình trạng như mụn trứng cá hoặc bỏng kích hoạt cơ chế tự nhiên của da, làm sản sinh nhiều sắc tố melanin nhằm bảo vệ da
- Tuổi tác: Khi quá trình lão hóa diễn ra, kích thước các tế bào melanin tăng và phân bố rộng trên bề mặt da hơn dẫn đến tình trạng tăng sắc tố da, hình thành các đốm nâu và gia tăng số lượng đồi mồi, đặc biệt phổ biến ở những người trên 40 tuổi.
- Di truyền: Gen di truyền có thể làm tăng nguy cơ tăng sắc tố. Ví dụ người mắc bị nám bẩm sinh chiếm khoảng 45% số người bị nám da.
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc như thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm không steroid có thể làm tăng sắc tố melanin.
- Bệnh lý: Người bị bệnh gan, bệnh Addison, các bệnh da liễu,… đều làm thay đổi nội tiết tố khiến melanin sản sinh nhiều.
4. Các phương pháp điều trị tăng sắc tố
Việc điều trị tăng sắc tố da phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ và loại tăng sắc tố da. Bạn có thể tự điều trị tại nhà, bằng thuốc hoặc bằng các công nghệ tiên tiến.
4.1 Điều trị tại nhà
Với những người bị nhẹ, mới hình thành nám, đồi mồi có thể tự điều trị tăng sắc tố tại nhà. Đầu tiên là cần cân bằng nội tiết tố trong cơ thể bằng cách xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung chất béo omega 3 và tăng cường tiêu thụ trái cây, rau xanh,…
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các thành phần tự nhiên như nha đam, giấm táo, trà xanh để làm giảm sắc tố tự nhiên.
- Nha đam: Gel nha đam có tính chất làm dịu và làm sáng da, giúp giảm sự xuất hiện của các đốm sắc tố. Bạn có thể thoa gel nha đam lên vùng da bị ảnh hưởng và để qua đêm. Sử dụng hằng ngày để đạt được hiệu quả như mong muốn.
- Giấm táo: Giấm táo có thể giúp làm sáng da nhờ tính axit nhẹ. Pha loãng giấm táo với nước và thoa lên vùng da bị tăng sắc tố. Rửa sạch sau 2 – 3 phút.
- Trà xanh: Trà xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp làm sáng da và giảm viêm. Bạn có thể dùng bã trà xanh để đắp mặt hoặc thoa nước trà xanh lên da 2 lần/ngày.
Điều quan trọng bạn không được quên chính là đội mũ, đeo khẩu trang dày, kính râm,… để bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời.
4.2 Điều trị bằng thuốc
Để điều trị tăng sắc tố da, bạn có thể sử dụng thuốc uống hoặc thuốc bôi. Thuốc bôi sẽ điều trị tận gốc các nguyên nhân gây ra tăng sắc tố. Tuy nhiên, chúng chỉ được sử dụng nếu bác sĩ yêu cầu. Bạn không được tự ý uống hoặc uống sai hướng dẫn, lạm dụng, tình trạng bệnh có thể sẽ nặng hơn.
Đối với thuốc bôi ngoài da, bạn nên chọn các sản phẩm có chứa các thành phần như Retinol, axit glycolic, vitamin C, N-acetyl glucosamine,… để làm giảm sự tăng sinh melanin quá mức. Trước khi sử dụng, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
4.3 Điều trị bằng công nghệ
Điều trị tại nhà hay điều trị bằng thuốc cần thời gian dài mới thấy hiệu quả, bạn hoàn toàn có thể điều trị bằng công nghệ để mau chóng lấy lại làn da rạng ngời, trắng sáng, không tì vết.
- Laser: Các chùm tia laser có bước sóng và xung ánh sáng phù hợp sẽ loại bỏ các tế bào melanin dư thừa. Nên chọn tia laser đơn sắc với độ dài xung ngắn để hạn chế tổn thương da.
- IPL (Intense Pulsed Light): Giảm thiểu các đốm nâu, tàn nhang,… bằng cách chiếu ánh sáng có cường độ mạnh và bước sóng phù hợp lên vùng da điều trị.
- Peel da hóa học: Đây là một phương pháp giúp tái tạo da, làm mờ các vết thâm thông qua việc áp dụng dung dịch acid lên bề mặt da. Quá trình này giúp loại bỏ lớp biểu bì, mang lại làn da tươi sáng hơn.
- Mài da vi điểm: Phương pháp này giúp cải thiện bề mặt da, làm đều màu da. Tuy nhiên, phương pháp này cần được thực hiện tại các cơ sở thẩm mỹ uy tín. Các bác sĩ hoặc kỹ thuật viên sẽ sử dụng máy mài da để tác động vào lớp biểu bì, giúp làm giảm sự xuất hiện của sắc tố tối màu.
5. Làm thế nào để phòng ngừa tăng sắc tố da?
Để phòng ngừa tăng sắc tố da, bạn có thể áp dụng những biện pháp sau:
5.1 Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời
Ánh nắng mặt trời là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng tăng sắc tố da. Vì thế bạn cần bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời.
Khi đi ra ngoài, sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên, mặc quần áo bảo hộ tối màu, chất liệu dày dặn. Trong khoảng từ 10 – 16h không nên tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời vì đây là thời điểm tia UV hoạt động mạnh nhất.
5.2 Chăm sóc da đúng cách
Chăm sóc da đúng cách không chỉ giúp duy trì độ ẩm và sức khỏe cho da, mà còn góp phần phòng ngừa tình trạng tăng sắc tố.
- Sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ để làm sạch da mặt 2 lần/ngày, vào buổi sáng và buổi tối. Việc làm sạch da giúp loại bỏ bụi bẩn, dầu thừa và tế bào chết, giúp da luôn khỏe mạnh.
- Tẩy tế bào chết 1 – 2 lần một tuần để loại bỏ lớp tế bào chết trên bề mặt da, giúp da sáng khỏe hơn. Bạn có thể sử dụng các sản phẩm tẩy tế bào chết hóa học hoặc vật lý tùy theo loại da của mình.
- Sử dụng sản phẩm chứa chất chống oxy hóa, vitamin C, E bảo vệ da khỏi tổn thương do gốc tự do.
5.3 Chế độ ăn uống lành mạnh
Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp chúng ta có một làn da khỏe mạnh, ngăn ngừa tăng sắc tố da hình thành.
- Ăn nhiều hoa quả, rau xanh: Các loại thực phẩm này giàu vitamin C, E, kẽm giúp chống oxy hóa, bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV và giúp da sáng khỏe.
- Uống đủ nước: Nước giúp đào thải độc tố ra khỏi cơ thể và giúp da sáng khỏe. Hãy uống đủ nước từ 2 – 3 lít mỗi ngày để duy trì độ ẩm cho da.
- Giảm tiêu thụ đường và chất béo: Đường và chất béo có thể góp phần làm tăng nguy cơ tăng sắc tố da, bạn nên hạn chế ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn và đồ ngọt.
5.4 Giảm stress
Căng thẳng kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể mà còn có thể dẫn đến thay đổi nội tiết tố, làm kích thích sản sinh melanin. Để giảm stress, bạn hãy tập thể dục, yoga, ngồi thiền, nghe nhạc,…
6. Những lưu ý khi điều trị tăng sắc tố
Trong quá trình điều trị tăng sắc tố, bạn cần lưu ý những điều sau để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất:
- Tìm hiểu nguyên nhân khiến tăng sắc tố để có phương án điều trị hợp lý
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng thuốc, thời gian điều trị và cách chăm sóc da sau điều trị để đạt hiệu quả tốt nhất
- Sử dụng kem chống nắng và các biện pháp bảo vệ để da không tiếp xúc với ánh mặt trời.
- Lựa chọn các cơ sở điều trị uy tín, có đội ngũ bác sĩ chuyên nghiệp, trang thiết bị hiện đại để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị
- Theo dõi tình trạng da thường xuyên để phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường hoặc khi tình trạng không cải thiện
Tăng sắc tố da là một vấn đề phổ biến nhưng có thể điều trị hiệu quả. Bằng cách hiểu rõ nguyên nhân, lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp và bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời, bạn có thể làm sáng da và lấy lại vẻ đẹp tự nhiên cho làn da của mình.